Cho trẻ ăn dặm - Thời điểm nào là thích hợp?

Các chuyên gia y tế đồng ý rằng, mẹ nên đợi cho đến khi bé được khoảng 6 tháng tuổi, sớm nhất là 5,5 tháng - trước khi cho trẻ ăn bất kì thực phẩm nào khác ngoài sữa mẹ. Đã có rất nhiều nghiên cứu về vấn đề này, các tổ chức Y tế thế giới cũng đã cập nhật các khuyến cáo về việc nên nuôi con hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời để đảm bảo dinh dưỡng và miễn dịch tốt nhất cho trẻ. Tuy nhiên, thật không may, là vẫn còn nhiều người và nhiều tài liệu không cập nhật và có thể đưa ra những khuyến cáo sai lầm về việc có thể bắt đầu cho trẻ ăn dặm từ 4 - 6 tháng. (Mẹ nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, chứ không phải là 4-6 tháng đầu đời các mẹ nhé)

Hầu hết các trẻ sẽ phát triển hệ tiêu hóa để sẵn sàng tiêu hóa các thực phẩm khác ngoài sữa mẹ (các thức ăn đặc hơn) khi trẻ được 6-8 tháng tuổi.

 

Tại sao phải chờ đợi đến 6 tháng tuổi?

Mặc dù có nhiều người cảm thấy lo lắng vì liệu sữa lúc này có đủ dinh dưỡng cho bé không, hay bé có cần ăn thêm để tăng cân tốt hơn không? Dưới đây là những lý do bạn nên chờ đến khi bé 6 tháng tuổi để bắt đầu tập ăn dặm cho bé.

  1. Bé sẽ có sức đề kháng và hệ miễn dịch tốt hơn.

Như các bạn đã biết thì sữa mẹ có chứa trên 50 yếu tố miễn dịch, và cũng tạo điều kiện cho vi sinh vật có ích phát triển tốt để bảo vệ hệ tiêu hóa của trẻ. Ngoài ra, các yếu tố miễn dịch cũng tránh cho trẻ gặp phải những rắc rối do dị ứng thực phẩm, đặc biệt là dị ứng sữa bò ở trẻ nhỏ.

  1. Hệ tiêu hóa của trẻ cần thời gian để hoàn thiện.

Nếu bạn cho trẻ ăn thức ăn dặm trước khi hệ tiêu hóa của trẻ sẵn sàng để hấp thu và chuyển hóa chúng, thì trẻ sẽ thường xuyên gặp phải tình trạng rối loạn tiêu hóa (đầy bụng, buồn nôn, táo bón, tiêu chảy…) và sẽ khiến cho trẻ cảm thấy khó chịu, thậm chí là biếng ăn, chậm tăng cân… Sữa mẹ không chỉ dễ tiêu hóa và hấp thu đối với bé, mà trong sữa mẹ còn chứa các enzym giúp quá trình tiêu hóa của trẻ tốt hơn.

Một điều đặc biệt nữa mà mẹ nên biết, đó là dưới 6 tháng tuổi, hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, không gian giữa các tế bào ruột non dễ dàng cho phép mầm bệnh, các protein lạ đi trực tiếp vào máu gây ra các bệnh lý cũng như tình trạng dị ứng ở trẻ. 6 tháng, cũng là lúc cơ thể trẻ có khả năng tự sản xuất ra kháng thể và khoảng không giữa các tế bào ruột non cũng đóng lại và giúp bảo vệ trẻ tốt hơn.

  1. Bé cần có thời gian phát triển các kĩ năng để sẵn sàng cho việc bổ sung thêm các thực phẩm khác ngoài sữa.

Trẻ cần có các kĩ năng ngồi, nhai,nuốt, cầm nắm… trước khi bắt đầu ăn dặm. Điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy chủ động hơn, cũng như giúp trẻ có thể tự chủ trong việc ăn uống của chính mình.

  1. Trẻ ít bị béo phì trong tương lai

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, khi trẻ bắt đầu ăn dặm sau 6 tháng, trẻ sẽ ít có nguy cơ bị béo phì hơn so với những trẻ được cho ăn dặm quá sớm.

  1. Trẻ hoàn toàn không bị thiếu máu, thiếu sắt nếu được cho bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

Việc bổ sung chất sắt, hoặc thực phẩm bổ sung sắt, đặc biệt trong 6 tháng đầu làm giảm hiệu quả hấp thu sắt ở trẻ. Các nghiên cứu về việc thiếu sắt ở trẻ nhỏ đã chứng minh rằng, trẻ hoàn toàn không bị thiếu sắt nếu được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, thậm chí nhiêu nghiên cứu còn nói rằng, việc cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 7 tháng đầu lam giảm nguy cơ thiếu máu thiếu sắt ở trẻ nhỏ.

  1. Mẹ dễ dàng duy trì nguồn sữa cho con

Khi bạn bổ sung thêm thức ăn dặm, hay sữa công thức vào khẩu phần ăn của trẻ, là bạn đang thay thế sữa mẹ trong chế độ ăn của trẻ, nó sẽ khiến trẻ ăn ít đi, và đây là nguyên nhân khiến nguồn sữa của mẹ giảm dần.

  1. Lợi ích khác cho mẹ: Tránh thai, giảm cân…

Việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời còn có ý nghĩa trong việc tránh thai và giảm cân cho mẹ sau sinh, giúp mẹ dễ dàng lấy lại vóc dáng và giảm stress.

Tin tức khác
abc